Cầu đường, triết học và luật, những khúc nối có vẻ thiếu đồng điệu nhưng lại là những tổ hợp đồng điệu trong con người ông Nguyễn Trần Bạt – một vị tổng giám đốc đam mê quan sát cuộc sống. Chẳng ai ngờ cái thứ đam mê lạ lùng ấy, một ngày kia đã biến ông trở thành một trong những doanh nhân thành đạt bậc nhất Việt Nam.
Vài nét về ông Nguyễn Trần Bạt:
Sinh năm 1946, tại Hưng Nguyên, Nghệ An
Năm 10 tuổi, ông cùng cha ra Hà Nội sinh sống.
Trong khoảng thời gian tham gia quân đội, từ 1963 đến 1975, có xuất ngũ theo học trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Tốt nghiệp (1973), ông tiếp tục phục vụ quân đội cho đến khi giải phóng miền Nam.
Sau giải phóng, ông công tác tại Bộ Giao thông Vận tải (1976-1984) rồi Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường (1985-1988).
Năm 1989, ông thành lập công ty Tư vấn và chuyển giao công nghệ InvestConsult Group và làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty cho đến nay.
Năm 1995, ông tốt nhiệp khoa Luật trường Đại học Tổng Hợp Hà Nội. Hiện nay, ông là Phó Chủ tịch Hội Sở hữu Trí tuệ Việt Nam, thành viên của Hội Luật gia Việt nam, Hiệp hội Luật sư Sáng chế Châu Á (APAA) và Hiệp hội Nhãn hàng Quốc tế (INTA).
Trong một buổi giao lưu với sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân, ông Nguyễn Trần Bạt – Tổng giám đốc công ty tư vấn đầu tư InvestConsult Group đã tâm sự thế này: “Cái đáng giá nhất trong cuộc đời của tôi không phải là tạo ra một công ty mà là tạo ra được một nghề mới ở Việt Nam. Đó là nghề tư vấn đầu tư và phát triển các quan hệ thương mại”.
Cũng giống như Jeff Beros – ông chủ của Amazon.com, người mở đường cho cả một ngành thương mại điện tử đang bùng nổ khắp thế giới – câu nói hàm chứa nhiều sự tự hào này chính là bí quyết thành công của Nguyễn Trần Bạt: nhìn thấy và có khả năng hiện thực hoá điều nhiều người không thể.
Vốn là một kỹ sư cầu đường nhưng ông lại ham mê triết học và quan sát cuộc đời. Cuối những năm 70 của thế kỷ XX, để tâm xem xét những biến động của tình hình quốc tế, ông đi đến một nhận định rằng “Việt Nam chắc chắn là phải có đổi mới”. Ông cho rằng khi thực hiện đổi mới, mở cửa sẽ có hai cộng đồng người gặp nhau: “người phương Tây không hiểu gì về Việt Nam và người Việt Nam chẳng hiểu gì về phương Tây”. Khi hai cộng đồng ấy mở cửa nhìn nhau và đều “ngọng” trong việc diễn đạt các nguyện vọng của mình, họ cần phải có một kẻ phiên dịch.
“Tôi lập công ty này với ý đồ trở thành kẻ phiên dịch sớm nhất cho sự khác biệt giữa hai hệ thống kinh tế, hai hệ thống chính trị và hai mức độ phát triển”, ông kết luận việc mình nhìn ra thị trường của một ngành kinh doanh hoàn toàn mới mẻ ở Việt Nam trong thời điểm ấy, một cách đầy triết lý như thế.
Được manh nha từ năm 1987 – khi ông còn công tác ở Bộ Khoa học Công nghệ, công ty của ông được chính thức thành lập năm 1989. Và hai năm sau, với chủ trương phát triển nền kinh tế nhiều thành phần của Chính phủ, ông quyết định đưa công ty của mình thành công ty tư nhân.
“Khi mới thành lập công ty, có người cho tôi là thằng khùng nhưng tôi phớt lờ. Tôi có cái để bán và rất nhiều người mua thì tại sao lại không làm – đó là trí khôn. Tôi khai thác những hiểu biết để cảnh báo rủi ra và biến chúng thành dự báo”. Ông cắt nghĩa ngắn gọn con đường mình đã và đang đi.
Từ khởi đầu với vỏn vẹn 3 người, đến nay, công ty của ông đã có hơn 300 nhân viên với các văn phòng đại diện ở thành Hà Nội, Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh. Đến giờ công ty của ông đã trở thành một địa chỉ tư vấn tin cậy của không chỉ các công ty trong nước mà còn của các tập đoàn có tên tuổi trên thế giới như Coca-Cola, IBM, Nec, CitiBank hay Deawoo…
Khi kẻ “ngẩn ngơ” trở thành “tổng tư lệnh”
Khi được hỏi “thế nào là một CEO?”, ông đã không ngần ngại dùng một phép so sánh, mà đối trọng là nhà độc tài quân sự người Pháp Napoléon Bonaparte. Ông nói: “Tất cả các chủ tịch hay giám đốc của các tập đoàn kinh tế lớn (CEO) cần phải có những phẩm chất như Napoleon… Trong thời đại của chúng ta, CEO chính là những người chỉ huy, phụ trách các dự án kinh tế. Vì thế, họ phải có phẩm chất của một viên tướng. Mà chất lượng của một viên tướng là phải biết kết thúc hay nhất một trận đánh.
Tự nhận mình là “một kẻ ngẩn ngơ, dại dột trong cuộc sống hàng ngày”, nhưng trong kinh doanh, ông tự tin cho rằng mình là một CEO – một viên tướng, một tổng tư lệnh thực thụ. Bởi, ông có cách “điều binh” đặc biệt.
“Tôi không thuộc những người sử dụng lao động một cách tầm thường. Cho nên, nếu hỏi kinh nghiệm (sử dụng và đào tạo lao động) của tôi thì tôi sẽ nói kinh nghiệm của tôi không phổ biến trong xã hội. Tôi không làm gì cả”, ông nói. “Nếu linh cảm mách bảo tôi rằng người này có giá, tôi sẽ nhận vào làm ngay”.
Thứ “linh cảm” mà ông nói đến xuất phát từ việc “đo độ nhạy tinh thần” và “độ cao thượng trong đời sống tinh thần” khi ông tuyển dụng nhân viên. Theo ông, độ nhạy bén cộng với sự cao thượng sẽ tạo ra “khả năng không thể dự báo được về sự phát triển”.
“Tôi còn một cái khác nữa là những người tôi cần đào tạo, không bao giờ tôi chiều ngay từ đầu cả. Có những kẻ tôi dấu kín. Và 5 năm sau, tôi bỗng đưa lên từ một nhân viên thông thường thành một giám đốc công ty”.
Vị “tổng tư lệnh” 61 tuổi giải thích: “Thực phẩm của thiên tài là tự do. Mà điểm mấu chốt của tự do là quên đi sự lệ thuộc của mình vào lời khen, tiếng chê của người khác”.
Với quan niệm ấy, ông “khuyến khích sự sáng tạo, khuyến khích tự do đối với nhân viên của mình. Tự do đến làm việc cho tôi, nếu anh cảm thấy tự tin và tự do rời công ty của tôi nếu anh cảm thấy bất hạnh, anh cảm thấy không hạnh phúc”. “Tôi không giữ họ khi họ có đủ tài năng để có thể tìm kiếm những chân trời rộng hơn tôi. Tôi trân trọng điều ấy”.
Kết quả của phương pháp lựa chọn nhân sự có vẻ thiên về cảm tính ấy là một đội ngũ nhân viên rất chất lượng và chuyên nghiệp. Ông tự hào cho biết: “Người của tôi rất có uy tín trên thị trường lao động Việt Nam”. Tổng giám đốc Ngân hàng ANZ hiện nay đã từng là trợ lý của ông. Khoảng hơn 70 công ty làm dịch vụ tư vấn hiện nay có người đứng đầu là những người từng có thời gian công tác trong công ty ông. Và không ít các luật sư sau khi thôi làm ở công ty ông, họ được nhận công việc tại những công ty luật danh tiếng thế giới như Baker & McKenzie hay White & Case…
Ông tâm niệm: một CEO, một vị tướng – linh hồn trong sự phát triển của một tập đoàn – là người “phải biết rõ mình đang làm gì, mình có mục tiêu gì, mình thực hiện mục tiêu đó bằng gì, vào lúc nào, trên quy mô nào và bao giờ chấm dứt”.
Ông nói: “Tôi luôn nghĩ rằng tôi không phải là một ông chủ. Tôi là tư lệnh của một dự án kinh tế. Tôi luôn trả lương cho cán bộ của mình rất cao. Vì cho rằng mình phải chia phần chiến lợi phẩm mình kiếm được cho các “binh sĩ”. Với quan niệm như thế, tôi là một CEO bền vững”.
Phẩm hạnh – triết lý thành công
“Làm gì có doanh nhân, làm gì có nhà chính trị. Đó chỉ là những trạng thái khác nhau của cuộc đời… Và điều quán xuyến hợp lý những trạng thái khác nhau đó của cuộc đời là đạo đức”, người đàn ông có thói quen tự cười mình này nhìn nhận về cuộc sống.
Đối với ông, đạo đức, sự lương thiện hay phẩm hạnh, không chỉ là nền tảng của một cuộc sống tốt đẹp mà còn là bản lề của sự thành công: dù bạn có là một người bình thường, một nhân viên hay một doanh nhân.
“Nếu không bắt đầu từ sự lương thiện thì con người sẽ chẳng làm được gì. Phải biết yêu thương con người. Chẳng hạn tôi bắt đầu kinh doanh là vì yêu con tôi. Các quy luật tinh thần sẽ mách bảo bạn cần phải làm gì rồi các bạn sẽ tự tìm thấy sự thành đạt thích hợp cho mình”, ông tâm sự.
Cách đây hơn 20 chục năm, khi ấy ông vẫn là một cán bộ làm việc trong biên chế nhà nước, cô con gái đầu lòng của ông mắc bệnh hiểm nghèo. Bỏ nghiệp nghiên cứu, ông sang làm kỹ sư xây dựng với mong muốn duy nhất: có đủ tiền để chữa bệnh cho con. Năm 1985, ông mất cô bé vì không thể kiếm đủ 30.000 USD – phí tổn cần thiết cho một ca phẫu thuật thay tủy. Cảm giác bất lực của một người cha khi ấy đã thôi thúc ông tìm cách bảo vệ gia đình trước khi những điều tương tự có thể xảy ra. “Tôi nghĩ rằng cần phải lao động, cần phải sáng tạo, không thể trông đợi vào những kinh nghiệm mà mình đã có cho đến lúc ấy. Cho nên tôi tạo ra nghề này”.
Lương thiện cũng là tiêu chuẩn đầu tiên của một nhân viên dưới quyền ông phải đạt được. Đối với một người coi “tâm hồn” – nguồn sức mạnh vô hình có thể làm nở mọi thứ – là “vốn liếng quý giá nhất của con người” như ông, thì thiếu lương thiện đồng nghĩa với việc tự loại mình ra khỏi sự phát triển.
Ông cho hay: “Tôi không khắt khe về chuyên môn, nhưng tôi cực kỳ khắt khe về sự lương thiện. Nếu một người nào đã trót không lương thiện thì không qua mặt tôi được. Tôi không bao giờ tiếp nhận người không lương thiện, nếu cấp dưới của tôi có nhầm lẫn thì tôi cũng tìm cách loại bỏ. Lương thiện là phẩm chất quan trọng nhất để tôi chọn hay không chọn một cán bộ. Nếu có một người được việc nhưng không lương thiện thì người đó cũng sẽ không phát triển, không đi xa được”.
“Tôi không tự mãn rằng tôi có khả năng biết mọi thứ, nhưng trong những thứ tôi biết được thì đạo lý của sự đúng đắn là yếu tố khống chế toàn bộ hoạt động của tôi”.
Thế nên, đừng nóng vội, “hãy kiên nhẫn giữ gìn phẩm hạnh của bản thân… để chờ đợi cuộc sống tốt hơn. Chúng ta đừng làm xấu xí mình vì các thúc bách của đời sống, để đến khi cuộc sống tốt hơn thì chúng ta lại trở thành kẻ ngoài rìa”. Đó là triết lý sống của ông. Trước giờ vẫn vậy và sau này vẫn thế.
Theo Ngô Chuyên- lanhdao.net, 10/2007
0 nhận xét:
Đăng nhận xét