Không vui với bản thành tích của người Việt
Sáng tạo là đặc tính cơ bản của mỗi cá nhân. Thế nhưng, có lẽ tất cả chúng ta đều cảm thấy không vui mỗi khi nhìn các bảng thành tích sáng tạo của người Việt.
Số ấn phẩm nghiên cứu quốc tế hàng năm thường ít nhất trong khu vực. Năm 2008, cả nước không có một bằng phát minh, sáng chế nào được cấp, trong khi số bằng của Philippines là 76, Malaisia:147, Thailand: 158, Singapore: 995. Rất ít nhà khoa học, học giả, văn nghệ sỹ, và các chuyên gia đạt thành tích cao trên đấu trường quốc tế.
Ở đây, tôi muốn đề cập đến "Sáng Tạo Kiên Trì" và đề xuất cơ chế hỗ trợ phát triển loại hình sáng tạo này.
Sáng Tạo Kiên Trì (STKT) là các sáng tạo đòi hỏi người thực hiện phải đầu tư công sức, tìm tòi, thử nghiệm trong một thời gian dài, có thể sáu tháng, một năm, hoặc lâu hơn nữa.
Giới nghiên cứu thường không lạ lẫm với khái niệm này. Tuy nhiên, STKT không chỉ bó hẹp trong môi trường kinh viện.
Viết một cuốn tiểu thuyết, xuất bản một album nhạc, triển khai một đề án kinh doanh, thiết kế một mô hình tàu lượn hoặc lai ghép một giống cây cũng có thể là những STKT.
STKT có ưu thế vượt trội so với các sáng tạo ngẫu hứng ngắn hạn để tạo sự khác biệt.
Lấy ví dụ, thay vì mỗi ngày viết một bài nhàn nhạt trên blog về một vấn đề khác nhau, một sinh viên có thể để ra một năm nghiên cứu tổng hợp về một chủ đề nào đó (thuộc lịch sử, thiên văn, hay triết học…) rồi viết thành sách, thậm chí có thể bán được và đem lại niềm tự hào cho người đó suốt đời.
Người Việt có kiên trì sáng tạo hay không? Câu trả lời đã khá rõ ràng.
Cần nhiều bộ não "sáng tạo kiên trì" hơn "nhà thông thái"
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, nền giáo dục với nội dung chương trình quá nặng, không khuyến khích tranh luận là nguyên nhân chủ yếu cản trở tính sáng tạo của học sinh, những người sau này lại trở thành tác nhân sáng tạo chủ yếu trong xã hội.
Một số người bi quan hơn cho rằng, hời hợt, thiếu kiên nhẫn là đặc tính cố hữu của người Việt, khó có thể khắc phục được trong thời gian gần.
Cá nhân tôi cho rằng tâm lý tự ti, sùng ngoại cũng là cản trở đáng kể. Có bao nhiêu thanh niên Việt Nam biết rằng Alvin Toffler viết cuốn "Thăng trầm Quyền lực" (khoảng 500 trang) mất hơn 20 năm? Và Edison đã thí nghiệm thất bại 10.000 lần trước khi chế tạo được bóng đèn? Hay chỉ nghĩ, những người đó làm được những công trình nổi tiếng thế giới là nhờ sở hữu một trí tuệ đặc biệt?
Một số sinh viên còn quan niệm, ở Việt Nam, không thể làm được cái gì, tốt nhất là cố gắng luyện ngoại ngữ. Trong khi đó, có sản phẩm sáng tạo cũng là một ưu điểm rất quan trọng để giành học bổng.
Một vấn nạn khác là xu hướng phấn đấu trở thành “nhà thông thái”: thứ gì cũng đọc, biết một chút, nhưng chẳng sâu sắc thứ gì.nĐọc nhiều nhưng để quá ít thời gian “động não” cho nên không ra được sản phẩm gì đáng kể.
Tôi cho rằng, nước ta hiện nay cần nhiều nhân sỹ trí thức với các STKT hơn là các “nhà thông thái” kiểu đó.
“Văn hoá đọc” hết sức cần thiết, tuy nhiên, phải đi kèm với “văn hoá sáng tạo”. Lấy ví dụ, một thanh niên dự định đọc 300 bài báo, đầu sách để nâng cao hiểu biết thì cũng nên lựa chọn sao cho trong số đó có khoảng 50-100 bài chuyên sâu về một vấn đề, để rồi sau đó tạo ra một sản phẩm mới của riêng mình.
Một số khác, tuy không cố ý trở thành nhà thông thái nhưng dường như cũng không có ý định sáng tạo chuyên sâu.
Đôi khi, tôi bắt gặp môt triết gia nghiệp dư rất có tài, với nhiều ý tưởng hay. Tuy nhiên, phổ quan tâm của họ quá rộng. Mỗi tháng, đề cập một vấn đề khác nhau.
Sau cùng là hạn chế từ chính các cơ quan giáo dục. Mặc dù luôn nêu cao khẩu hiệu “giáo dục tính sáng tạo cho học sinh”, nhưng thực tế có đi đôi với việc làm?
Đã có nhiều cuộc thi đòi hỏi trí thông minh, kiến thức tổng hợp, nhưng còn quá ít các cuộc thi về sáng tạo cho học sinh, sinh viên.
Giới trẻ thuộc lòng tên các quán quân từ các cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympiad”, các cuộc thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, nhưng thử hỏi có mấy ai nhớ đến người chiến thắng trong các cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên toàn quốc?
Trang web tổng kết 20 năm đào tạo của một trường trung học uy tín như Hà Nội-Amsterdam cũng chỉ có thành tích thi học sinh giỏi chứ không đề cập gì đến các thành tích sáng tạo.
Theo một tài liệu nghiên cứu, trẻ em 5 tuổi có năng lực sáng tạo rất lớn, khoảng 95%; 17 tuổi là 10%; 20-45 tuổi là 5%.
Càng nhiều tuổi, năng lực này không mất đi nhưng chuyển thành dạng tiềm ẩn.
Tôi cho rằng, STKT cũng có thể rèn luyện được và cần luyện từ nhỏ để kích thích trí năng, biến công việc sáng tạo trường kỳ trở thành sở thích và thói quen.
Trước nay, chính vì không có những thể chế thực sự khuyến khích STKT cho nên những đức tính quý báu của người Việt như thông minh, nhiều sáng kiến đã không thể chuyển hoá được thành những công trình có giá trị cao. Đó là lý do tôi viết phần 2.
Nguyễn Kiều Dung (Nghiên cứu sinh Kinh tế, Hoa Kỳ)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét