“Đừng hấp tấp với nghệ thuật” ông lão sửa đồ chơi trong
Toy Story 2 đã nói thế. Và Pixar cũng vậy. Tất cả những dự án làm phim dưới quyền quản lý của công ty đều trải qua 4 công đoạn cực kỳ nghiêm ngặt: 1-phát triển và sáng tạo cốt truyện; 2-tiền sản xuất và liệt kê những thử thách kỹ thuật; 3-sản xuất và dựng phim; và sau chót là 4-phần hậu kỳ và “đánh bóng” sản phẩm.
Nhưng đó chỉ là 4 công đoạn chính thôi đấy nhá. Còn cụ thể từng bước còn rắc rối hơn nữa kìa. Hãy cùng Kênh14 ngó quanh 1 vòng cái nào.
1 – Ý tưởng! Ý tưởng!
Mọi nhân viên trong bộ phận phát triển của Pixar đều hiểu: không một ý tưởng thiếu cơ sở nào lại được hãng phim thông qua. Họ có trách nhiệm trình bày trước toàn đội những suy nghĩ, những lập luận chặt chẽ của mình về dự án sắp tới. Ý tưởng phải được giới thiệu như một buổi tiếp thị chuyên nghiệp. Ý tưởng phải có sức thuyết phục và có tính khả thi.
2 – Soạn thảo kịch bản nháp
Kịch bản nháp là tập tài liệu nhỏ dùng để tổng kết toàn bộ ý tưởng chính của câu chuyện. Đôi khi, nhiều kịch bản nháp khác nhau nhưng có cùng một nội dung được chú ý phát triển. Từ sự đa dạng đó, hãng phim có thể dễ dàng thêm thắt, chỉnh sửa giữa mạch truyện gốc và các hướng đi phụ. Sau này, họa sĩ phác thảo có nhiệm vụ vẽ lại chúng.
3 – Phác thảo sơ bộ
Hình vẽ phác thảo sẽ được sắp xếp và dán lên một chiếc bảng to. Chúng tạo thành một trang truyện tranh khổng lồ, một bản thiết kế chuyên biệt dành cho hành động và lời thoại. Mỗi họa sĩ phác thảo sẽ nhận được các trang kịch bản cùng những ghi chú xoay quanh sự thay đổi cảm xúc của từng nhân vật. Theo sát hướng dẫn, họ sẽ vẽ nên những gì đã được chỉ định. Cuối cùng là phần trình bày thành quả trước ban giám đốc.
4 – Thu âm và lồng tiếng
Đầu tiên, các họa sĩ của Pixar sẽ kiêm luôn phần lồng tiếng mẫu cho bảng tranh phác thảo. Sau khi cốt truyện và lời thoại được chăm chút, những diễn viên chuyên nghiệp sẽ bắt đầu giai đoạn lồng tiếng. Họ đọc kịch bản và ứng biến thêm nhiều tình tiết thú vị. Diễn viên cần được thu âm trong nhiều lần, theo nhiều cách khác nhau. Cách tốt nhất vẫn là cho họ vừa xem phim vừa lồng tiếng. Đôi khi, giọng mẫu tuyệt vời đến mức nó không cần được thay thế. Nhân vật Wheezy trong Toy Story do Giám Sát Kịch Bản Joe Ranft lồng tiếng là một ví dụ điển hình.
5 – Xây dựng những cuộn phim
Cuộn phim là một cuộn băng video cho phép các tranh phác thảo hoạt động độc lập mà không cần đến họa sĩ thuyết trình. Một buổi “tiếp thị” hay cần có một “nhà hùng biện” vững vàng. Những cảnh phim hợp lý không thể thiếu những cuộn phim được biên tập khéo léo. Đây là bước đầu trong việc phân bố thời điểm xuất hiện cho từng trường cảnh. Cảnh nào nên có trước, cảnh nào nên để sau. Thứ tự nào giúp cho người xem dễ hiểu nhất.
6 – Bộ phận nghệ thuật chi tiết hóa mọi hình ảnh
Dựa trên các kịch bản nháp, các bảng tranh phác thảo, các buổi hội ý đầy sáng tạo, bộ phận nghệ thuật sẽ làm nên những hình ảnh minh họa đặc sắc về thế giới, về những nhân vật trong phim. Họ bắt đầu thiết kế nên khung cảnh, trang phục, bề ngoài, màu sắc và cả “kịch bản màu sắc” (một loạt những bức họa ấn tượng dùng để nhấn mạnh bố cục ánh sáng cho từng hoạt cảnh cụ thể).
7 – Mẫu vật được chạm trổ và nối khớp
Sử dụng các hình mẫu về nhân vật, khung cảnh, phục trang từ bộ phận nghệ thuật, những nghệ nhân điêu khắc sẽ chạm trổ nên các bức tượng tương ứng. Sau đó, chúng sẽ được scan vào máy tính và bắt đầu quá trình tạo hình trực tiếp trong không gian 3 chiều. Mỗi hình mẫu sẽ có số “avar” nhất định, hay còn được gọi là các khớp ảo. Những nhà làm phim sử dụng công cụ này để tăng thêm tính mềm mại và uyển chuyển cho đồ họa. Riêng gương mặt của chàng cao bồi Woody trong Toy Story đã ngốn đến 100 avar.
Vậy là một nửa chặng đường đã hoàn thành rồi. Những nhân vật đã bắt đầu thành hình nhưng để "action" trong một bộ phim hoạt hình dài hơn thì vẫn còn nhiều điều phải làm lắm đấy. Hãy đón xem những họa sĩ của Pixar sẽ còn làm gì trong kỳ 2.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét