Lịch sử lâu đời cùng nền văn hóa phong phú đã giúp Hà Nội có được kiến trúc đa dạng và mang dấu ấn riêng. Nhưng sau một thời gian phát triển thiếu quy hoạch, thành phố hiện nay tràn ngập những ngôi nhà ống trên các con phố lắt léo, những công trình tôn giáo nằm sâu trong các khu dân cư, những cao ốc bên các khu phố cũ, những cột điện chăng kín dây nhưng thiếu vắng không gian công cộng. Về mặt kiến trúc, có thể chia Hà Nội thành bốn khu vực: khu phố cổ, khu thành cổ, khu phố Pháp và các khu mới quy hoạch.
Khu phố cổ
Khu phố cổ Hà Nội, trung tâm lịch sử của thành phố, hiện nay vẫn là khu vực đông đúc nhất. Địa giới không gian khu phố cổ có thể coi là một hình tam giác cân với đỉnh là phố Hàng Than, cạnh phía Đông là đê sông Hồng, cạnh phía Tây là Hàng Cót, Hàng Điếu, Hàng Da, còn đáy là trục Hàng Bông–Hàng Gai–Cầu Gỗ. Qua nhiều năm, những cư dân sinh sống nhờ các nghệ thủ công, buôn bán tiểu thương đã hình thành những con phố nghề đặc trưng mang những cái tên như Hàng Bạc, Hàng Đường, Hàng Thùng...
Tất cả các ngôi nhà hai bên đường khu phố cổ đều theo kiểu nhà ống, mang nét đặc trưng: bề ngang hẹp, chiều dài sâu, đôi khi thông sang phố khác. Bên trong các ngôi nhà này cũng có cách bố trí gần như nhau: gian ngoài là nơi bán hoặc làm hàng, tiếp đó là khoảng sân lộ thiên để lấy ánh sáng, trên sân có bể cạn trang trí, quanh sân là cây cảnh, giàn hoa, gian nhà trong mới là nơi ăn ở và nối tiếp là khu phụ. Những năm gần đây, mật độ dân số quá cao khiến phố cổ Hà Nội xuống cấp nghiêm trọng. Phần lớn các cư dân ở đây phải sống trong điều kiện thiếu tiện nghi, thậm chí bất tiện, nguy hiểm. Một vài trường hợp đặc biệt được ghi nhận như ba người sống trong một diện tích 1,5 m² hay bốn người sống trong một căn phòng 10 m² nhưng trên nóc một nhà vệ sinh chung. Trong khu 36 phố phường thuộc dự án bảo tồn, hiện chỉ còn một vài nhà cổ có giá trị, còn lại hầu hết đã được xây mới hoặc cải tạo tùy tiện.
Khu thành cổ
Khu thành cổ, tức hoàng thành Thăng Long, nằm ở khoảng giữa hồ Tây và hồ Hoàn Kiếm, xuất hiện cùng với kinh đô Thăng Long. Trải qua nhiều lần phá hủy, xây dựng lại rồi tiếp tục bị tàn phá, hoàng thành Thăng Long hiện chỉ lưu lại ở một vài dấu vết. Trên phố Phan Ðình Phùng hiện nay còn cửa Bắc của thành được xây bằng đá và gạch rất kiên cố. Cột cờ Hà Nội xây năm 1812 hiện nằm trên đường Ðiện Biên Phủ. Công trình cao 40 m gồm ba nền thềm rộng và tháp cổ hình lăng trụ, bên trong có cầu thang xoắn ốc dẫn lên kỳ đài.
Phía Nam thành cổ còn lưu lại được một quần thể di tích đa dạng là Văn Miếu-Quốc Tử Giám, được xây từ đầu thế kỷ 11. Gồm hai di tích chính, Văn Miếu – nơi thờ Khổng Tử, các bậc hiền triết của Nho giáo và Chu Văn An – và Quốc Tử Giám – trường quốc học cao cấp đầu tiên của Việt Nam – công trình không chỉ là điểm du lịch hấp dẫn mà còn là nơi tổ chức nhiều hoạt động văn hóa.
Khu phố Pháp
Năm 1883, người Pháp bắt đầu lên kế hoạch xây dựng lại thành phố. Dựa trên các khu phố Hà Nội vốn có, những kiến trúc sư người Pháp vạch thêm các con đường mới, xây dựng các công trình theo hướng thích nghi với môi trường sở tại, tạo nên một phong cách ngày nay được gọi là kiến trúc thuộc địa.[35] Khu vực đô thị do người Pháp quy hoạch và xây dựng gồm ba khu: nhượng địa, thành cũ và nam hồ Hoàn Kiếm, ngày nay mang tên chung là khu phố cũ, hay khu phố Pháp.
Khu nhượng địa mang hình chữ nhật được giới hạn bởi các con phố Bạch Đằng, Tràng Tiền, Lê Thánh Tông, Trần Nhân Tông và Nguyễn Huy Tự hiện nay. Vốn là đồn thủy quân của Hà Nội cổ, đến năm 1875, khu vực này được nhượng lại cho quân đội Pháp xây doanh trại, dinh thự và bệnh viện. Những công trình kiến trúc ở đây có mái lợp ngói đá đen, hành lang xung quanh, nhà cuốn hình cung. Dinh thự Tổng tham mưu trưởng quân Pháp, ngày nay là Nhà khách Bộ Quốc phòng xây dựng trong khoảng thời gian 1874 đến 1877. Bệnh viện Lanessan, hiện là Quân y viện 108 và Bệnh viện Hữu Nghị, khánh thành năm 1893. Khu thành cũ gồm các phố Phan Đình Phùng, Hùng Vương, Hoàng Diệu, Điện Biên Phủ, Lê Hồng Phong, Chu Văn An, Trần Phú. Những con đường ở đây rộng, dài và được trồng nhiều cây xanh. Các biệt thự mang kiến trúc miền Bắc nước Pháp với trang trí cầu kỳ, tỷ mỉ. Một công trình kiến trúc tiêu biểu và quan trọng của khu thành cũ là Phủ Toàn quyền, ngày nay là Phủ Chủ tịch, được xây dựng trong khoảng 1900 đến 1902. Khu nam hồ Hoàn Kiếm cũng là một hình chữ nhật với hai cạnh dài là phố Tràng Thi – Tràng Tiền và phố Trần Hưng Đạo, hai cạnh ngang là phố Phan Bội Châu và phố Phan Chu Trinh. Khu vực này được xây dựng đồng thời với khu thành cũ song quy trình quy hoạch có chậm hơn do phải giải tỏa nhiều làng xóm. Một công trình quan trọng của thành phố là Nhà hát Lớn nằm ở đầu phố Tràng Tiền, được xây từ 1902 tới 1911, theo mẫu Opéra Garnier của Paris.
Kiến trúc Pháp thường được xem như một di sản của Hà Nội, nhưng ngày nay đã phải chịu nhiều biến đổi. Những công trình cao tầng và các ngôi nhà giả phong cách Pháp làm khu phố cũ trở nên khó nhận diện. Bên cạnh đó, nhiều thửa đất được sát nhập để xây dựng các cao ốc khiến cảnh quan bị phá vỡ. Những hàng rào thấp dọc các con phố, những màu sác tiêu biểu – tường vàng và cửa gỗ màu xanh – cũng bị thay đổi và che lấp bởi các biểu hiệu quảng cáo. Hiện Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội với sự giúp đỡ của vùng Île-de-France đang triển khai dự án bảo tồn và phát triển khu phố này.
Kiến trúc hiện đại
Vào những năm 1960 và 1970, hàng loạt các khu nhà tập thể theo kiểu lắp ghép xuất hiện ở những khu phố Kim Liên, Trung Tự, Giảng Võ, Thành Công, Thanh Xuân Bắc... Do sử dụng các cấu kiện bê tông cốt thép sản xuất theo quy trình thủ công, những công trình này hiện rơi vào tình trạng xuống cấp nghiệm trọng.[35] Không chỉ vậy, do thiếu diện tích sinh hoạt, các cư dân những khu nhà tập thể lắp ghép còn xây dựng thêm những lồng sắt gắn ngoài trời xung quanh các căn hộ – thường được gọi là chuồng cọp – gây mất mỹ quan đô thị. Hiện những nhà tập thể lắp ghép đang dần được thay thể bởi các chung cư mới.
Cuối thập niên 1990 và thập niên 2000, nhiều con đường của Hà Nội, như Giải Phóng, Nguyễn Văn Cừ, Láng Hạ, Ngọc Khánh, Thái Hà, được mở rộng. Các khách sạn, cao ốc văn phòng mọc lên, những khu đô thị mới như nam cầu Thăng Long, bắc cầu Thăng Long, Du lịch Hồ Tây, Định Công, Bắc Linh Đàm... cũng dần xuất hiện.[39] Khoảng thời gian gần đây, khu vực Mỹ Đình được đô thị hóa nhanh chóng với hàng loạt những ngôi nhà cao tầng mọc lên. Tuy vậy, các khu đô thị mới này cũng gặp nhiều vấn đề, như công năng không hợp lý, thiếu quy hoạch đồng bộ, không đủ không gian công cộng.[35] Trong trận mưa kỷ lục cuối năm 2008, Mỹ Đình là một trong những khu vực chịu thiệt hại nặng nề vì nước ngập.
Các công trình kiến trúc
Trước khi trở thành một trung tâm chính trị – vào thế kỷ 5 với triều đại nhà Tiền Lý – Hà Nội đã là một trung tâm của Phật giáo với các thiên phái danh tiếng.[40] Theo văn bia, từ giữa thế kỷ 6, chùa Trấn Quốc được xây dựng trên bãi Yên Hoa ngoài sông Hồng, tới 1615 do bãi sông bị lở, chùa mới dời về địa điểm hiện nay.[41] Đến thế kỷ 11, với sự xuất hiện của kinh đô Thăng Long, khi Phật giáo trở thành quốc giáo, các chùa chiền, thiền viện, sư tăng mới phát triển thực sự mạnh mẽ. Trong nhiều thế kỷ, Hà Nội tiếp tục xây dựng các ngôi chùa, trong đó một số vẫn tồn tại tới ngày nay. Có thể kể tới các ngôi chùa nổi tiếng như chùa Một Cột xây lần đầu năm 1049, chùa Láng từ thế kỷ 12, chùa Quán Sứ, chùa Kim Liên xuất hiện vào thế kỷ 17. Tuy vậy, hầu hết các ngôi chùa trong nội ô ngày nay đều được xây dựng lại vào thế kỷ 19.[42] Những triều đại Lý, Trần, Lê để lại rất ít dấu tích.
Vùng ngoại thành Hà Nội cũng có nhiều ngôi chùa nổi tiếng. Thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, một quần thể văn hóa–tôn giáo gồm hàng chục ngôi chùa thờ Phật, các ngôi đền thờ thần, các ngôi đình thờ tín ngưỡng nông nghiệp... thường được gọi chung là Chùa Hương. Từ lâu, di tích này đã trở thành một địa điểm du lịch quan trọng, đặc biệt với lễ hội Chùa Hương được tổ chức vào mỗi mùa xuân. Cách trung tâm Hà Nội khoảng 20 km về phía Tây Nam, Chùa Thầy nằm trên địa phận của xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai. Ngôi chùa, thường gắn liền với tên tuổi vị thiền sư Từ Đạo Hạnh, là một di sản kiến trúc, văn hóa, lịch sử giá trị. Giống như Chùa Hương, lễ hội Chùa Thầy cũng được tổ chức vào mùa xuân, đầu tháng 3 hàng năm.[43]
Cùng với các ngôi chùa, Hà Nội còn có không ít đền thờ Đạo Lão hay Đạo Khổng, như Đền Quán Thánh, Đền Bạch Mã, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Đền Ngọc Sơn cùng cầu Thê Húc và đình Trấn Ba. Trong khu phố cổ còn nhiều ngôi đình vẫn được những người dân thường xuyên tới lui tới bày tỏ lòng thành kính. Cơ Đốc giáo theo chân những người châu Âu vào Việt Nam, giúp Hà Nội có được Nhà thờ Lớn, Nhà thờ Cửa Bắc, Nhà thờ Hàm Long... Các công trình tôn giáo ngày nay là một phần quan trọng của kiến trúc thành phố, nhưng không ít hiện phải nằm trong những khu dân cư đông đúc, thiếu không gian.
Thời kỳ thuộc địa đã để lại Hà Nội rất nhiều các công trình kiến trúc lớn, hiện vẫn đóng vai trò quan trọng về công năng, như Nhà hát Lớn, Phủ Chủ tịch, Bắc Bộ phủ, trụ sở Bộ Ngoại giao, Bảo tàng Lịch sử, Khách sạn Sofitel Metropole... Một số công trình bị phá bỏ để xây mới – như Tòa thị chính được thay thế bằng trụ sở Ủy ban nhân dân thành phố – hoặc tu sửa nhưng không giữ được kiến trúc cũ – như ga Hàng Cỏ. Thời kỳ tiếp theo, Hà Nội cũng có thêm các công trình mới. Lăng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hội trường Ba Đình, ghi đậm dấu ấn của giai đoạn này.
Hai thập niên gần đây, cùng với sự phát triển về kinh tế, rất nhiều cao ốc và khách sạn như Daewoo, Sofitel Plaza, tòa nhà Tháp Hà Nội... mọc lên mang lại cho thành phố dáng vẻ hiện đại. Hà Nội cũng chứng kiến sự ra đời của nhưng công trình quan trọng như Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Sân vận động quốc gia Mỹ Đình... Để kỷ niệm lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, hiện nay rất nhiều công trình đang được xây dựng, có thể kể đến Keangnam Hanoi Landmark Tower, Hà Nội City Complex, Bảo tàng Hà Nội và Tòa nhà quốc hội.
Theo Wikipedia
Bài mới
- Blogger Comment
- Facebook Comment
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét